Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu thì tình trạng tổn thất sau khai thác ngành thủy sản ở nước ta còn rất lớn, ước tính hàng năm từ 20 - 30% tổng sản lượng khai thác. Thành phố Đà Nẵng có 1.368 chiếc tàu cá,trong đó số tàu đánh bắt xa bờ công suất từ 90cv trở lên là 201 chiếc, sản lượng khai thác hàng năm vào khoảng 35.000 tấn. Những năm qua, Sở Nông nghiệp và PTNT thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên tuyên truyền tập huấn kiến thức và hỗ trợ nhiều mô hình bảo quản sản phẩm cho bà con ngư dân, nhưng tình hình tổn thất sau khai thác vẫn còn. Một số phương tiện tàu cá xa bờ, sản phẩm sau khai thác chưa được bảo quản đúng cách làm giảm chất lượng sản phẩm dẫn đến thiệt hại về kinh tế. Để khắc phục các vần đề trên các phương tiện tàu cá cần quan tâm đến một số khâu sau đây:
1. Điều kiện an toàn thực phẩm của tàu cá
- Boong, hầm cá phải kín, sạch sẽ, hợp vệ sinh, không có khả năng nhiễm vi sinh,
- Hầm muối cá phải đảm bảo kín, cách nhiệt tốt, duy trì tốt nhiệt độ bảo quản thủy sản luôn ở nhiệt độ dưới 4oC. Không để dầu, nhớt, nước tại các khu vực khác trên tàu ngấm vào hầm bảo quản sẽ làm mất ATTP thủy sản. Phải vệ sinh sạch sẽ hầm bảo quản bằng hóa chất chlorin, xà phòng sau mỗi chuyến biển nhằm tránh lây nhiễm vi sinh vật vào sản phẩm trong quá trình bảo quản.
2. Thao tác của thủy thủ sau khi đánh bắt, bảo quản
- Sản phẩm thủy sản sau khi đánh bắt thuyền viên phải thao tác nhẹ nhàng, tránh làm dập nát nguyên liệu thủy sản, loại bỏ tạp chất, phân loại sản phẩm, rửa sạch sản phẩm, hạn chế tối đa thời gian sản phẩm tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, chuyển xuống hầm bảo quản nhanh chóng. Bảo quản nguyên liệu thủy sản phải dựa trên nguyên lý: nhanh – sạch – lạnh.
- Sản phẩm sau khi rửa sạch, để ráo nước, sắp xếp vào từng khay, kết muối đá. Không nên để sản phẩm quá đầy trong khay, kết khi sắp xếp trong hầm bảo quản vì như thế, dụng cụ chứa đựng sản phẩm sẽ đè lên sản phẩm làm dập nát nguyên liệu, làm giảm chất lượng sản phẩm, sẽ giảm giá bán. Các dụng cụ chứa đựng nguyên liệu phải làm bằng vật liệu phù hợp (nhựa), phải sạch sẽ, vệ sinh thường xuyên và sắp xếp gọn gàng nhằm tránh lây nhiễm vi sinh vật.
3. Nước rửa
Nên dùng nước biển sạch để rửa sản phẩm. Không dùng nước sông, nhất là nước tại cảng để rửa vì nguồn nước này rất ô nhiễm không đạt tiêu chuẩn theo quy định,có rất nhiều vi khuẩn làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
4. Nước đá
- Phải bảo quản thủy sản bằng nước đá sạch, đảm bảo vệ sinh ATTP.Nước đá phải lấy từ các cơ sở đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh ATTP theo quy định.
- Không được sử dụng cối xay nước đá bị rỉ sét để xay nước đá muối cá và phải thường xuyên bảo trì tốt để không lây nhiễm vi sinh vật.
5. Thời gian hoạt động của từng chuyến biển
- Nhiệt độ và thời gian bảo quản sản phẩm là hai yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Đây là vấn đề mà các thuyền trưởng, chủ tàu cá có thể chưa nhận thức đầy đủ. Theo tài liệu nghiên cứu khoa học, hai yếu tố nhiệt độ và thời gian bảo quản ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm thủy sản được minh họa qua hai biểu đồ sau:
* Quan hệ giữa nhiệt độ và thời gian bảo quản
Nhiệt độ (0C) | Thời gian bảo quản |
0 | 11-12 ngày |
0,5 | 6-8 ngày |
3 | 5-6 ngày |
5 | 3,5 ngày |
8 | 2-3 ngày |
10 | 20-30 giờ |
- Đa số các tàu khai thác thủy sản có thời gian hoạt động kéo dài, điều kiện bảo quản sản phẩm chưa đảm bảo làm giảm chất lượng sản phẩm sau khai thác. Qua các biểu đồ minh họa trên, mặc dù trong điều kiện hầm bảo quản tốt thì thời gian bảo quản sản phẩm tối đa dưới 12 ngày phải vận chuyển nguyên liệu về cảng để tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, các tàu đánh bắt có thời gian kéo dài, phải sử dụng các tàu vận chuyển cung ứng vật tư nhiên liệu, dầu, nước đá, đồng thời vận chuyển sản phẩm thủy sản về cảng tiêu thụ.
6. Ngăn chặn và tiêu diệt động vật gây hại
- Phải có biện pháp ngăn chặn có hiệu quả sự xâm nhập của động vật gây hại lên tàu (đặt bẫy)
- Không nuôi gia súc, chó, mèo trên tàu.
- Thuyền trưởng, thuyền viên phải được khám sức khỏe định kỳ theo quy định và phải thường xuyên được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm.
- Không sử dụng hóa chất kháng sinh cấm để bảo quản thủy sản như: Ure, hàn the, Chloramphenicol…Vì đây là những hóa chất, có thể gây ra các bệnh nguy hiểm, gây hại cho sức khỏe của người tiêu dùng và tuyệt đối bị cấm nếu bị phát hiện trong các lô hàng thủy sản xuất khẩu.
7. Tàu cặp Cảng
- Không sử dụng nước sông để rửa sản phẩm, vệ sinh cầu cảng, vì nguồn nước sông tại cảng có rất nhiều vi sinh vật gây hại, không đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định.
- Nhanh chóng chuyển sản phẩm đến nơi bảo quản bằng xe lạnh để tiêu thụ, không để sản phẩm trên cầu cảng quá lâu sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Sau khi đưa sản phẩm lên xe, xe không được xả nước thải từ trên xe xuống khu vực bốc dỡ sản phẩm làm ảnh hưởng đến môi trường, gây mất an toàn vệ sinh khu vực cảng.
- Sau khi bốc dỡ thủy sản phải vệ sinh cầu cảng bằng nước sạch trước và sau khi bốc dỡ.
Trên đây là một số kỹ thuật rất cơ bản, được tóm lược giới thiệu đến bà con ngư dân tham khảo, có thể rút ra những kinh nghiệm áp dụng vào công việc thực tế sản xuất khai thác, kinh doanh của mình, nhằm tăng cường chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả lợi nhuận của từng chuyến biển. Hạn chế tối đa tổn thất sau khai thác, góp phần tăng thu nhập của bà con ngư dân./.
www.snnptnt.danang.gov.vn